[Kỳ hồn] Tôi có thể tới nhà bạn không?

182966662_1863316327161089_3674506183848821968_n

[Kỳ hồn] Tôi có thể tới nhà bạn không?

Tác giả: FwanoJs

Chuyển ngữ: Thanh Liên

Bản chuyển ngữ được đăng tải duy nhất trên trang: https://nhansinhnhumongsite.wordpress.com/

Vui lòng không reup!


Hai tháng trước tôi có phỏng vấn một đôi đồng tính luyến ái, bởi vì một vài nguyên nhân mà tiết mục này không được phát sóng công khai.

Hai ngày trước, trong lúc tôi còn đang làm việc ở công ty, có một người liên lạc với tôi, muốn xin bản gốc đoạn băng ghi hình đó.

Ngày ấy, tổ biên tập sau khi cắt ghép, biên tập đã gửi cho ông chủ xem. Sau khi xem xong, ông chủ không nói gì cả, đến khi trailer sắp được phát sóng, thư ký của ông chủ đột nhiên thông báo yêu cầu xóa tất cả tư liệu, thay thế tiết mục đó bằng một tiết mục khác, ngay cả thẻ nhớ cũng bị xóa sạch, trả về cho thợ chụp ảnh một thẻ nhớ trống.

Sau đó ông chủ chuyển cho tất cả nhân viên tham gia vào biên tập nội dung này một số tiền lớn, ngụ ý là mong mọi người giữ bí mật, không để lộ đoạn phỏng vấn này ra ngoài.

Đột nhiên nhận được điện thoại của Thời Quang, nói muốn xin bản gốc đoạn băng ghi hình, tôi đành phải nói cho Thời Quang biết thật sự là không tìm lại được tư liệu ghi hình ngày đó.

Sau khi nghe xong, Thời Quang nói tư liệu đó rất quan trọng với mình, nếu như có thể may mắn tìm lại được phần tư liệu chưa bị xóa, nhất định phải liên lạc lại với cậu ấy.

Tôi liên tục nói đồng ý.

Thật ra lúc ấy tôi có giữ lại một đoạn băng ghi âm, dùng máy ghi âm ghi lại, đề phòng chuyện không may.

Nhưng ông chủ đã nói không được để lộ, cho nên tôi không tiện đưa thứ này ra.

Trong thế giới của người trưởng thành, tiền đại diện cho quyền lên tiếng.

Sáng hôm sau, tôi mở ra máy vi tính lên, thông báo tin tức lập tức nhảy ra. Như thường ngày, tôi lướt nhanh tiêu đề tin tức, đến chuyên mục thể thao, bài viết ở trên đầu là một bài cáo phó.

“Cửu đẳng Du Lượng cờ vây đã qua đời vào bảy giờ mười phút tối qua khi mới hai mươi chín tuổi.”

Du Lượng.

Tên có chút quen. Tôi bấm vào, lướt xuống, hình ảnh chậm rãi hiện ra. Tốc độ internet của công ty chưa bao giờ theo kịp tốc độ đọc bài.

Mấy giây sau, hình ảnh dần dần hiện rõ, tôi nhận thấy một gương mặt quen thuộc: Thầy Tiểu Du.

“Vậy là tiết mục của tôi và thầy Tiểu Du cuối cùng không thể phát sóng sao? Có thể cho tôi xin đoạn băng ghi hình được không? Không sao, quấy rầy cô rồi.”

Khi đó giọng điệu của Thời Quang rất bình thản, tựa như chỉ tình cờ nhớ ra một chuyện có cũng được, không có cũng không sao.

Nói thật, Thời Quang và Thầy Du quá mức đẹp trai, thế cho nên tôi không nhớ được tên, chỉ nhớ khung cảnh hai người bọn họ đứng sóng vai nhau rất đẹp.

Tôi cẩn thận đọc bài cáo phó hết một lượt, trong cáo phó nhắc tới ba mẹ, sư huynh, đồng đội của thầy Tiểu Du, nhưng lại không nhắc một chữ tới Thời Quang.

Bọn họ không phải là người yêu sao?

Đến khi tìm kiếm tên của hai người, tôi mới biết người mình phỏng vấn hai tháng trước lại là hai kỳ thủ nổi danh trong giới cờ vây.

Là người dẫn chương trình của một tiết mục đêm khuya, đã nghe về câu chuyện của không biết bao nhiêu người, nhưng tôi vẫn rung động vì mối quan hệ sâu đậm của hai người bọn họ.

Chín giờ tối, những đồng nghiệp tăng ca đều đã ra về.

Tôi lấy máy ghi âm ra, nghe lại cuộc phỏng vấn ngày hôm đó. Bởi vì máy ghi âm cất trong túi áo khoác nên hiệu quả thu tiếng không được tốt. Tôi đành tự sắp xếp đoạn ghi âm thành một bản thảo.

Cuối cùng tôi còn gọi điện thoại cho ông chủ, nói ra chuyện đoạn băng ghi hình, ông chủ chỉ bảo tôi nói Thời Quang đi tìm Phương Tự, đoạn băng ghi hình ở trong tay Phương Tự.

Phương Tự là người đứng đầu kỳ đàn hiện nay.

Học trò của Du Hiểu Dương, sư huynh của Du Lượng, quản lý câu lạc bộ cờ vây Weida… Cũng chính là ông chủ của Thời Quang.

Tôi đành thuật lại lời của ông chủ và gửi đoạn băng ghi âm cho Thời Quang.

Không ngờ Thời Quang lại hẹn gặp tôi, kể cho tôi nghe câu chuyện giữa cậu ấy và thầy Tiểu Du.

Sau đó xảy ra một loạt chuyện, các bên đồng ý, bản thảo ghi âm được ký giả biên tập lại đã được đăng báo.

Bản thảo kỷ niệm thầy Tiểu Du.

Bản thảo ngày 23 tháng Một năm 2019.

Ký giả: Chào cậu, chúng tôi là tổ quay phim của chương trình ‘Tôi có thể tới nhà bạn không?’, xin hỏi chúng tôi có thể theo về tham quan nhà cậu không? Đổi lại, tổ tiết mục của chúng tôi sẽ trả phí cho cậu.

Thời Quang: Tôi đang chờ người.

(Từ chối rất dứt khoát. Sau vài giây im lặng, cậu ấy lại lên tiếng)

Thời Quang: Tiết mục của các cô sẽ phát sóng trên tivi hả?

Ký giả: Sẽ phát sóng trên kênh truyền hình vệ tinh.

Thời Quang: Vậy chờ tôi mười phút, tôi đón ‘lãnh đạo’ nhà tôi đã, việc này còn phải hỏi ý kiến của cậu ấy.

Ký giả: Xưng hô với cậu thế nào?

Thời Quang: Tôi họ Thời tên Quang.

Ký giả: Người yêu của cậu làm việc trong tòa nhà này sao?

Thời Quang: Đúng vậy. Cậu ấy họ Du, dạy học ở trên tầng 18.

Ký giả: Muộn thế này rồi vẫn còn dạy học, thật sự vất vả.

Thời Quang: Cậu ấy dạy cờ vây. Tôi nói trước với cô, cậu ấy đánh cờ rất giỏi.

(Chờ trong gió lạnh mười phút, thầy Tiểu Du xuất hiện)

Thời Quang: Khăn quàng cổ đâu? Găng tay đâu? Mũ đâu? Hôm nay nhiệt độ hạ thấp, tôi đã chuẩn bị sẵn đồ, để trước cửa cho cậu rồi, sao cậu không mang theo? Phong độ quan trọng như vậy hả?

Thầy Du: Hôm nay lúc ra ngoài thời tiết rất đẹp, cũng không lạnh. Người này là…?

Thời Quang: Đừng đánh trống lảng. Cậu mau quàng khăn cho tôi, không lạnh chết bây giờ. Lần sau không được tùy hứng như vậy nữa. Cậu phải chú ý giữ ấm, phải biết nghe lời. Đây là người của đài truyền hình, đang làm tiết mục, muốn tới tham quan nhà chúng ta.

Thầy Du (nhẹ giọng): Nhà bừa bộn lắm.

Thời Quang: Là cậu quá ngăn nắp, thầy Tiểu Du à.

Thầy Du (nhẹ giọng): Không phải do cậu lười dọn dẹp sao?

Thời Quang: Vậy thầy Tiểu Du có đồng ý không?

Thầy Du: Lúc biên tập có thể làm mờ hình ảnh của chúng tôi không?

Ký giả: Được, chúng tôi tôn trọng yêu cầu của cậu.

Thầy Du: Xưng hô với cô thế nào?

Ký giả: Tôi họ Vu.

Thời Quang: Du? Cùng họ với cậu kìa.

Ký giả: Tôi họ Vu, Vu trong ‘Vu vô thanh sở thính kinh lôi’ (Nghe thấy tiếng sấm ở nơi yên lặng).

Thời Quang: Không phải cùng họ à? Nhưng cũng là duyên phận. Tôi lái xe tới đây, đoàn làm phim các cô đi theo xe chúng tôi. Tôi lái nhanh lắm đó, đừng để mất dấu.

Ký giả: Xin hỏi tôi có thể ngồi cùng xe không?

Thầy Du: Không tiện.

Thời Quang: Thầy Tiểu Du nói chuyện thẳng thắn, đừng để ý.

Ký giả: Không sao, tôi cũng thẳng tính. Nói chuyện rõ ràng như vậy tiện hơn. Chúng ta đi thôi.

(Đến nơi ở của hai người)

Thời Quang: Lạnh cóng rồi chứ gì? Đưa tay đây.

Thầy Du (nhẹ giọng): Có người ngoài ở đây.

Thời Quang: Cô Vu à, đây chính là nhà chúng tôi.

Ký giả: Không ngờ là biệt thự ở ngoại thành. Vừa bước vào cửa, đập vào mắt là phong cách Tô Châu Viên Lâm[1], cảnh vật thay đổi theo từng bước chân. Thẩm mĩ của hai người thật tao nhã.

Thời Quang: Cũng không chú ý nhiều như vậy. Ba của thầy Tiểu Du thích phong cách Trung Quốc, chúng tôi cứ bố trí theo như vậy. Còn trong nhà thì thiết kế theo sở thích của cậu ấy.

Ký giả: Xem ra thầy Tiểu Du thích phong cách Châu Âu. Thiết bị lắp đặt rất tối giản.

Thầy Du: Màu sắc theo phong cách Trung Quốc quá tối, tôi không thích.

Thời Quang: Cậu đi cả ngày hẳn là mệt rồi, vào phòng ngủ nghỉ ngơi đi. Tôi dẫn bọn họ đi tham quan.

Thầy Du: Hôm nay tôi không mệt. Cùng nhau dẫn bọn họ đi tham quan đi.

Ký giả: Dẫn chúng tôi đi tham quan một phòng là được rồi, giới thiệu bố cục căn phòng, ý tưởng thiết kế hoặc lai lịch của vật dụng. Chúng tôi làm nhanh thôi, sẽ không mất nhiều thời gian của hai người đâu.

Thời Quang: Được, vậy tôi đi pha cho thầy Tiểu Du một ly sữa nóng trước. Lát nữa dẫn các cô vào tham quan phòng cờ của chúng tôi. Tiểu Lượng, cậu thấy thế nào?

Thầy Du: Được. Nhưng tôi không muốn uống sữa.

(Phòng cờ)

Ký giả: Đầu tiên, tôi cảm thấy căn phòng này thật sự rất rộng. Nhưng lại chỉ xếp một bộ bàn ghế?

Thời Quang: Theo tôi vào trong đi.

Ký giả: Đây là bàn cờ sao?

Thời Quang: Cô biết nhiều thật đấy. Đây là bàn cờ vây. Trong nhà chúng tôi chỉ có gian phòng này được thiết kế theo phong cách Trung Quốc thôi.

Ký giả: Tôi từng nhìn thấy bàn cờ ở Viện Bảo tàng cho nên đoán vậy.

Thời Quang: Bàn cờ này có thể xem như bắt đầu duyên phận giữa tôi và thầy Tiểu Du.

Ký giả: Kết duyên từ bàn cờ là chuyện rất lãng mạn.

Thời Quang: Lãng mạn? Đương nhiên rồi. Cô xem hai người chúng tôi khá đẹp trai đấy chứ. Khi đó cậu ấy gọi bảy mươi tám cuộc điện thoại để tìm tôi, mà tôi, khi nhận được điện thoại thì tình cờ kéo rèm cửa sổ ra, trông thấy lá cây ngân hạnh bay xuống. Cách lớp cửa sổ, cậu ấy nói dù làm gì cũng đều nhớ đến tôi. Cũng có người nói hai chúng tôi như đang diễn phim tình cảm vậy.

Thầy Du: Không đúng. Khi đó tôi chỉ muốn tìm cậu đánh cờ. Đừng ôm tôi bất ngờ như vậy, đổ sữa bây giờ.

Thời Quang: Sao vẫn còn đầy thế? Thôi vậy, không uống thì cầm cho ấm tay cũng được.

Thầy Du: Cậu tiếp tục giới thiệu cho bọn họ đi.

Thời Quang: Ban đầu là cậu ấy theo đuổi tôi, về sau đổi thành tôi. Tôi đuổi theo cậu ấy hơn nửa vòng thế giới. Tôi và cậu ấy là đối thủ định mệnh, ngoại trừ thời gian trước bỏ lỡ nhau, phần đời còn lại sẽ mãi ở bên nhau.

Thầy Du: Cậu… Sao lại nói chuyện này?

Thời Quang: Cô Vu, về sau biên tập không được cắt đoạn này đi đâu đấy. Phải chỉnh âm lượng lớn nhất, tôi muốn tất cả mọi người đều nghe được. Tiểu Lượng, cậu đỏ mặt gì chứ?

Thầy Du: Chúng ta nói chuyện cờ vây đi…

Bản thảo ngày 5 tháng Bốn năm 2019.

Ký giả: Chào Thời Quang. Chúng ta lại gặp nhau.

Thời Quang: Cảm ơn cô đã gửi cho tôi đoạn ghi âm. Không tìm được đoạn băng ghi hình, đoạn ghi âm này đối với tôi cũng rất quý giá. Để cảm ơn cô, tôi sẽ kể cho cô nghe câu chuyện giữa tôi và Tiểu Lượng.

Ký giả: Có cần thiết không?

Thời Quang: Ông chủ của cô nói rất hứng thứ với câu chuyện của chúng tôi. Tôi cũng vui khi có người nghe về câu chuyện của chúng tôi.

Ký giả: Vậy tôi có thể ghi âm lại không?

Thời Quang: Không thành vấn đề. Thời gian trước chuyện giữa tôi và Tiểu Lượng từng bị người xuyên tạc. Những chuyện tình hồng phấn đó có vài chuyện là thật, vài chuyện thì không. Nhưng đều có thể xảy ra với chúng tôi. Tôi sẽ bắt đầu kể từ năm 2014.

Ký giả: Năm ấy có chuyện gì đặc biệt sao?

Thời Quang: Năm đó Tiểu Lượng hai mươi bốn tuổi, phát hiện bị mắc bệnh tim nghiêm trọng. Có lẽ là ý trời. Bác sĩ nói vì ban đầu kỹ thuật hạn chế nên không phát hiện ra, đến khi phát hiện, ngoại trừ cấy ghép tim thì không còn phương pháp điều trị nào khác. Tôi và thầy Du đăng ký với cơ quan ghép tạng, phía trên còn rất nhiều cái tên khác đăng ký, mà dù có đứng đầu hàng cũng rất khó đợi được trái tim phù hợp, có người đợi đến mười mấy năm. Mà khi đó trái tim của Tiểu Lượng nếu như giữ gìn cẩn thận chắc hẳn có thể duy trì được khoảng ba năm.

Ký giả: Thầy Tiểu Du giải nghệ vào năm hai mươi lăm tuổi, năm ấy thầy Tiểu Du phá lệ chỉ tham gia cúp Xuân Lan. Lúc ấy rất nhiều người chơi cờ đều chờ đợi được xem thầy Tiểu Du bảo vệ chức vô địch cúp Samsung, kết quả là khi trận đấu bắt đầu cậu ấy không xuất hiện, hóa ra là do sức khỏe. Thật đáng tiếc.

Thời Quang: Cô còn nói không có hứng thú? Tìm hiểu rất kỹ càng nha. Với sức khỏe của cậu ấy lúc đó không thể ngồi máy bay, đi thuyền tới thành phố S lại quá vất vả. Mọi người tụ lại tìm cách nhưng không có cách nào khả thi.

Ký giả: Năm ấy còn có một tin tức gây náo động, đó là cậu chuyển sang làm chủ tướng của câu lạc bộ Weida. Tôi đã đọc tất cả tin tức năm đó, mỗi bức ảnh truyền thông chụp được, chỉ cần có mặt thầy Tiểu Du thì đều có cậu ở bên cạnh. Thời gian đó hai người các cậu cũng rất ‘hot’ trên diễn đàn tình cảm. Đương nhiên cũng có người suy đoán là sư huynh đệ nhà họ Du trở mặt, cho nên giao lại vị trí chủ tướng của Du Lượng cho cậu, hai người các cậu âm thầm tranh giành nhau.

Thời Quang: Lúc ấy tôi đang theo đuổi Tiểu Lượng, nhưng cậu ấy nhất quyết không đồng ý, vẫn luôn giữ khoảng cách xã giao với tôi. Chuyện này nói ra có chút phức tạp. Trước khi phát hiện bệnh, Tiểu Lượng từng thổ lộ với tôi, nhưng tôi từ chối. Thật sự là tôi phải cắn răng hạ quyết tâm dữ lắm. Mức độ bao dung với đồng tính luyến ái của xã hội còn rất thấp, tương lai vẫn còn một đoạn đường rất dài, chúng tôi có thể là đối thủ, bạn bè, tri kỷ. Nhưng tôi chưa từng nghĩ con đường của cậu ấy lại sắp đi đến cuối rồi. Cho nên, ngay hôm sau ngày Tiểu Lượng nằm viện, tôi vội vã chạy tới phòng bệnh của cậu ấy, nói tôi đổi ý. Có câu: Hoa xinh phải bẻ liền tay, chớ để lâu ngày lại bẻ cành khô[2]. Ở cùng nhau một ngày thì thêm một ngày, những chuyện khác tôi không quan tâm đến nữa. Thế nhưng Tiểu Lượng lại cho rằng tôi thương hại cậu ấy, đuổi tôi đi. Tôi rất oan ức. Nhưng bác sĩ đã nói không được để Tiểu Lượng kích động, cho nên tôi đành ra ngoài.

Ký giả: Cậu rất nghe lời. Sau đó thì sao?

Thời Quang: Chuyện đó không thành vấn đề. Ngày hôm sau tôi lại tới. Bám riết không buông là sở trường của tôi mà. Từ năm hai mươi bốn tuổi đến năm hai mươi lăm tuổi, Tiểu Lượng quả thật rất khổ sở. Tư duy của cậu ấy đang ở thời kỳ đỉnh cao, nhưng sức khỏe lại cực kỳ kém, kéo lùi bước tiến của cậu ấy. Việc duy nhất tôi có thể làm là buộc chặt dây bảo hiểm cho cậu ấy. Cảm giác bất lực rất khó chịu. Vì Chử Doanh biến mất mà tôi đã từ bỏ cờ vây, trong nửa năm đó, mẹ tôi vẫn luôn ủng hộ tôi vô điều kiện. Tôi muốn quay về trường đi học, bà liền giúp tôi trở lại trường. À, chuyện của Chử Doanh tôi không kể ra ở đây, người trên mạng suy đoán chuyện của tôi đặc sắc lắm. Là Cốc Vũ, Ngô Địch, Giang Tuyết Minh, Thẩm Nhất Lãng, và Tiểu Lượng, bọn họ cùng kéo tôi ra khỏi vũng bùn. Nhưng trước tình huống của Tiểu Lượng, tôi không biết phải giúp đỡ cậu ấy thế nào. Cậu ấy muốn đánh cờ, nhưng tôi lại hy vọng cậu ấy có thể sống lâu hơn. Cô nói xem, giờ đã có cộng hưởng kinh tế rồi, sao lại không thể cộng hưởng mạng sống của tôi với cậu ấy chứ? Cậu ấy thật sự rất yêu cờ vây, có lẽ là đến khi không cầm được quân cờ nữa cậu ấy mới chịu từ bỏ. Lúc đó sư huynh đệ bọn họ không cãi nhau, mà là cãi nhau với ba cậu ấy. Trước giờ thầy Du rất nghiêm khắc với Tiểu Lượng, nhưng nói cho cùng cũng là vì thương con, hy vọng Tiểu Lượng có thể chống đỡ lâu hơn một chút, còn sống thì còn hy vọng, có lẽ ngày mai sẽ có trái tim phù hợp để cấy ghép. Ông ấy biết Tiểu Lượng vẫn dự định tiếp tục tham gia thi đấu liền tức đến trắng bệch mặt mày, sai Phương Tự ném bộ cờ Vĩnh Tử đi ngay trước mặt Tiểu Lượng. Buồn cười thật, hai ba con bọn họ đúng là đang thi xem ai phát bệnh tim trước. Tiểu Lượng ngất đi, may mà tôi đỡ kịp mới không ngã xuống đất. Tiểu Lượng lại nhập viện. Sau lần nằm viện đó, sức khỏe của cậu ấy rõ ràng yếu đi rất nhiều, không làm chủ tướng được nữa. Vì muốn ở bên cạnh cậu ấy mà tôi đi nói chuyện với Phương Tự, hủy hợp đồng với câu lạc bộ Đầu tư xây dựng Phương Viên, ký với Weida. Khi đó tôi đi rất gấp, Hứa Hậu không hỏi nguyên nhân, còn chủ động nói chuyện hủy hợp đồng với quản lý của câu lạc bộ giúp tôi. Vì việc này mà đến giờ nhớ lại tôi vẫn cảm thấy rất có lỗi với Hứa Hậu. Anh ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Cô nói xem, nếu anh ấy đọc được bài phỏng vấn này thì có rộng lượng tha thứ cho tôi không?

Ký giả: Cậu cho tôi địa chỉ của anh Hứa, khi nào tạp chí phát hành, tôi sẽ gửi cho anh ấy một cuốn.

Thời Quang: Hì, tôi chỉ thuận miệng nói vậy thôi, cảm ơn.

Ký giả: Sau đó thì sao? Khi nào thì thầy Tiểu Du chấp nhận tình cảm của cậu?

Thời Quang: Không lâu, khoảng một năm thì phải. Ai bảo tôi là người vô cùng quan trọng với cậu ấy cơ chứ. Căn nhà kia mua sau khi quyết định ở cùng nhau, đứng tên hai chúng tôi, tôi coi đây là chứng nhận của Cục Dân chính. Sau đó Phương Tự cho Tiểu Lượng làm phó quản lý ở Weida, công việc không nhiều. Tôi đoán Phương Tự sợ Tiểu Lượng không đánh cờ sẽ chán nản sinh thêm bệnh. Như vậy cũng tốt, khi đi làm tôi đều có thể đưa Tiểu Lượng cùng đi. Ngày các cô phỏng vấn chúng tôi, khi đó tôi vừa huấn luyện xong, đang chờ cậu ấy để cùng về nhà. Tôi vốn định từ chối, nhưng nghĩ đến sau khi tiết mục được phát sóng thì tất cả mọi người đều biết Du Lượng là người yêu của Thời Quang tôi, cho nên tôi liền thay đổi ý định. Tiểu Lượng vẫn luôn tránh cho người ngoài biết quan hệ của chúng tôi, tôi không ngờ cậu ấy lại đồng ý phỏng vấn. Phương Tự nói với tôi, về sau cũng chính Tiểu Lượng đổi ý, nhờ anh thông qua quan hệ mà hủy phát sóng. Cậu ấy suy nghĩ thật đơn giản, nào phải tiết mục không phát sóng thì sẽ không có ai biết việc chúng tôi sống cùng nhau đâu.

Ký giả: Đoạn phỏng vấn này được đăng lên thì mọi người đều sẽ biết chuyện tình của cậu và thầy Tiểu Du. Tôi… Hay là tôi không viết nữa.

Thời Quang: Trước khi rời đi cậu ấy nói tôi phải chăm chỉ đánh cờ, lần này nếu tôi từ bỏ, cậu ấy không có cách nào giúp tôi quay lại được nữa. Còn nói sau này nếu tôi gặp được người tốt hơn thì phải biết quý trọng. Tôi nói sau khi làm tang lễ xong, về đến nhà tôi sẽ lập tức đóng khung giấy chứng nhận bất động sản, treo trong nhà. Tôi muốn bất kỳ ai từng đến nhà của tôi đều sẽ biết, tôi – Cửu đẳng Thời Quang… và Cửu đẳng Du Lượng có một câu chuyện tình.

Editor chú thích:

[1] Tô Châu Lâm Viên: vườn cây cảnh cổ điển Tô Châu. Đây là một kiến trúc vườn trong nội thành của Tô Châu, lấy khuôn viên tư gia là chủ đạo, bắt đầu từ thời Xuân Thu (514 trước Công Nguyên). Bố cục của khu vườn rất tinh xảo, khắp nơi đều toát lên vẻ tinh tế và trang nhã, cây cối xanh tốt, phong cảnh tươi đẹp, đình đài lầu các ẩn hiện trong màu xanh cây lá, cảnh vật thay đổi theo từng bước chân (Nguồn: Internet)

[2] Hai câu trong bài Áo kim tuyến của Đỗ Thu Nương. Ở đây mình tham khảo bản dịch trên trang Thi Viện.

o0o Hoàn o0o

Hãy suy cùng nhau đi ạ

Bình luận về bài viết này